Kiến An - Gò Công (ngày 24 tháng 1 năm 1960) Phong_trào_kết_nghĩa_Bắc-Nam

Kiến An vốn là tên một tỉnh cũ ở vùng duyên hải Bắc Bộ trước đây, với tỉnh lỵ là thị xã Kiến An cũ. Ngày 27 tháng 10 năm 1962, tỉnh Kiến An bị giải thể, sáp nhập vào thành phố Hải Phòng cho đến ngày nay. Hiện nay, Kiến An chỉ còn là tên một quận trực thuộc thành phố Hải Phòng.

Gò Công vốn là tên một tỉnh cũ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long) được thành lập từ thời Pháp thuộc. Giữa năm 1957, toàn bộ tỉnh Gò Công bị chính quyền Cách mạng ở miền Nam giải thể và chuyển thành huyện Gò Công trực thuộc tỉnh Mỹ Tho. Tháng 8 năm 1968, chính quyền Cách mạng lại quyết định tái lập tỉnh Gò Công. Tháng 2 năm 1976, ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Mỹ Tho, tỉnh Gò Côngthành phố Mỹ Tho được hợp nhất thành một tỉnh có tên gọi mới là tỉnh Tiền Giang cho đến ngày nay. Từ đó, Gò Công chỉ còn là tên gọi của các đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh này: thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây.

Còn về phía chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, trong giai đoạn 1954-1975 tên gọi tỉnh Gò Công vẫn được duy trì như thời điểm trước năm 1954.

Ngày 22 tháng 2 năm 1961, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiến An đã khai mạc gồm 200 đại biểu, trong đó có đoàn đại biểu cán bộ tỉnh Gò Công tập kết - tỉnh kết nghĩa với tỉnh Kiến An đã đến dự đại hội.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Kiến An lấy tên Gò Công đặt tên cho chợ (có chợ Gò Công), tên sân vận động. Huyện Tiên Lãng thuộc thành phố Hải Phòng (trước đây thuộc tỉnh Kiến An) lấy tên địa danh Vàm Láng (thuộc vùng đất Gò Công) đặt cho chợ, bến xe, bưu điện, ngân hàng ở trung tâm xã Hùng Thắng (ngày ấy được coi là khu trung tâm thứ hai của huyện). Vì lẽ đó ngày nay vẫn dùng tên gọi là chợ Vàm Láng, ngân hàng Vàm Láng. Bến xe thì không còn, trạm công an không còn, bưu điện thì không dùng tên ấy nữa.

Đồng thời, Hải Phòng đã tập trung cao độ chi viện cho tiền tuyến, luôn luôn dành cho đồng bào miền Nam tình cảm sâu sắc và hành động thiết thực nhất với tinh thần “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “Vì Đà Nẵng - Gò Công kết nghĩa”. Sau ngày miền Nam giải phóng, bộn bề khó khăn, Gò Công đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình, quý báu từ thành phố Hải Phòng. Từ đất cảng, đã vận chuyển 9.000 bản sách và hỗ trợ gần như toàn bộ các trang thiết bị thư viện đưa về cho Gò Công. Đây là cơ sở ban đầu rất quan trọng để hình thành và đi vào hoạt động của thư viện Gò Công vào tháng 12 năm 1975. Để ghi nhận công đóng góp, tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Phòng đối với Gò Công (cụ thể trên lĩnh vực thư viện), thư viện mang tên Gò Công - Hải Phòng kết nghĩa[13].

Chợ Gò Công nằm ở trung tâm quận Kiến An thuộc thành phố Hải Phòng hiện nay được xây dựng từ những năm 1960 và được xếp hạng chợ loại II của toàn thành phố[14].